Vị Thầy thiêng liêng
Vị Thầy thiêng liêng
Agape Đời sống thiêng liêng là gì? Đời sống thiêng liêng không đơn thuần chỉ thuộc về phạm trù tinh thần, mà còn là sự sống của Chúa Thánh Thần được cụ thể hoá trong đời sống của một người, với tất cả tư cách con người của người ấy, vì “thân xác bởi Thiên Chúa” (1 Cr 6, 13). Chúng ta là những con người thần thiêng ngang qua mức độ chúng ta sống theo Thần Khí và Thần Khí sống trong ta. “Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8, 9). Chúng ta sẽ như thế nào là còn tuỳ thuộc vào mức độ chúng ta sống trong Chúa Thánh Thần. Thánh Thần có khả năng giúp chúng ta sống sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thực Tại: Thực Tại duy nhất, chân thật và hoàn hảo. Làm sao có được một đời sống thiêng liêng không bị giới hạn bởi cái nhìn thiển cận của ta về Thực Tại ? Dĩ nhiên cần mở rộng tầm nhìn để biết toàn bộ thực tại ở mọi khía cạnh. Thường thì chúng ta hay có cái nhìn phiếm diện. Chúng ta vẫn còn sống ở bề nổi, tức vị trí nông cạn nhất trong con người. Chúng ta cứ tưởng đời sống sẽ được mài dủa sáng hơn ngang qua những thói quen cố hữu. Trong khi đời sống thiêng liêng phải là môi trường minh nhiên của người Hiến Sĩ nói riêng và của Kitô hữu nói chung, vì nó không gì khác hơn chính là môi trường đức tin. Đó mới là yếu tố mài dủa đời sống chúng ta và làm cho ta luôn ở trong tình trạng thức tỉnh, đồng thời đưa ta tới một nơi thật xa, nơi mà chúng ta đặt lên hàng đầu theo quy luật vĩnh cửu trong tác động của Chúa Thánh Thần. VỊ THẦY THIÊNG LIÊNG “Sống trong trường học của Chúa Thánh Thần” là nền tảng đời sống tu trì mà nhờ đó chúng ta dần dần khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm của đời sống này. Vì “trường học” thì ghi dấu ấn của “thầy dạy”. Chỉ một mình Thiên Chúa biết nơi Người sẽ dẫn chúng ta tới để sống và cảm nếm những gì thuộc về Thánh Thần. Trong thư gửi tín hữu Roma 8,5, thánh Phaolô khẳng định: “Những ai sống theo Thần Khí thì hướng về những gì thuộc Thần Khí”. Câu Lời Chúa này gợi hứng cho Đấng Sáng Lập và các Hiến Sĩ tiên khởi mà đời sống thiêng liêng là yếu tố hấp dẫn các ngài hơn cả. Họ nếm được những gì là thiêng liêng. Nó diễn tả một sự liên kết chặt chẽ, một khả năng bẩm sinh của sự thống nhất hoàn toàn trong bản chất người, một con người thật sự trong nội tại với những gì thuộc về Thánh Thần, mô tả con người thiêng liêng, được Thánh Thần hướng dẫn. Cảm nghiệm nội tâm trực tiếp về Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần chính là hoa trái chắc chắn thuộc về đời sống thiêng liêng. Thánh Thần, Vị Thầy không dùng lời lẽ bên ngoài để dạy dỗ. Người nghĩ trong ta (2Tm 1, 14), trong đền thờ của thân xác ta (1Cr 6, 19), trong lòng ta (Gl 4, 6). Nhờ vậy, Người dẫn ta tới sự thật toàn vẹn (Ga 16, 13), Người dẫn đường, soi sáng và làm cho ta cháy lửa yêu mến Người (Rm 5, 5). “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do từ Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết” (1Ga 2, 20). Chúng ta vào Dòng là để tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng chỉ có Thánh Thần mới có thể mặc khải cho chúng ta “những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1Cr 2, 10). Vì Thánh Thần đã mặc khải sự khôn ngoan nhiệm mầu và ẩn kín nơi Thiên Chúa mà thánh Phaolô hứa hẹn cho những tín hữu trưởng thành, sự khôn ngoan hoàn toàn khác với sự khôn ngoan của thế gian. Phần chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là thần khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ đã học được nơi thần khí; chúng tôi dùng những lời lẽ thần khí linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về thần khí. Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của thần khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ thần khí mới có thể xét đoán. Nhưng con người sống theo thần khí thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người đó. Thật vậy, “ai đã biết tư tưởng của Chúa, để chỉ vẽ cho người? Còn chúng tôi, chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Kitô” (1 Cr 2, 12-16). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa, tư tưởng của Đức Kitô – chính là Thánh Thần, Đấng là nguồn của các điều ấy. Chúng ta hãy nhìn lại cách thành thật xem: Thần khí nào đang thúc đẩy chúng ta trong các hành động, chọn lựa, phán đoán và ước muốn? Thần khí của Chúa Kitô? Hay của những gì hư ảo, kiêu căng, tự ái, giận dữ, ấu trĩ…bởi xác thịt ? Chúng ta tìm thấy trong Hiến Pháp và Quy Luật: lời giáo huấn khôn ngoan và thực tế giúp chúng ta hướng về một đời sống được Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Chúng ta phải giữ gìn nó cho mục đích của việc dâng hiến cho Chúa Thánh Thần, Đấng hằng cư ngụ trong chúng ta và trong tha nhân. Chuẩn mực cho phán đoán phải xuất phát từ việc lắng nghe Chúa Thánh Thần thay vì từ kiến thức thế tục. Đây là một thái độ chăm chú lắng nghe, một thái độ của tinh thần dễ cảm thụ, mềm dẻo và linh động nội tâm dưới tác động của Vị Thầy Thiêng Liêng; Đấng hằng ẩn dấu tiếng nói của mình. Giáo lý thiện hảo của việc giữ lòng mình gồm tóm ở đó. Điều này hết sức quan trọng để có thể tiến bước trên hành trình dài cùng đi với Thánh Thần. BƯỚC ĐI VỚI THÁNH THẦN Nếu Hiến Sĩ tiếp tục kiên tâm đặt mình trong khuôn ấy thì dần dần sẽ tìm thấy được đời sống hoàn hảo của mình theo hướng trở thành người của Thiên Chúa theo gương của Đấng Sáng Lập và các Hiến Sĩ tiên khởi… được thanh luyện trong đêm tối kiên nhẫn, được an ủi và nâng đỡ nhờ sự chuyên chăm suy niệm Thánh Kinh, được Thánh Thần thúc đẩy trong sâu thẳm linh hồn, bấy giờ Hiến Sĩ sẵn sàng, không chỉ để kết hợp với Thiên Chúa mà còn phục vụ Người trong tình yêu. Môi trường huấn luyện chúng ta không còn là nhà tập, học viện nữa mà bất cứ môi trường mục vụ truyền giáo nào cũng cho phép ta lắng nghe Thánh Thần và để cho Ngài dạy dỗ. Hệ luận của việc dạy dỗ này quan trọng bậc nhất trong việc cầu nguyện liên lỉ mà nhờ đó Mai Thiên Lộc đã được biến đổi không ngừng trong con tim hướng về Người. Chúng ta biết rằng việc cầu nguyện vượt ra ngoài khả năng chúng ta. Trong thực tại sâu thẳm nhất vì nó là một tiếng rên xiết khôn tả của Thánh Thần ngay trong chúng ta mà chỉ một mình Thiên Chúa chân thật mới hiểu được (Rm 8, 26). Cầu nguyện là quà tặng của Thánh Thần. Không ai biết Giêsu là Chúa ngoài Thánh Thần. Đây thật sự là mức độ cao nhất của lời cầu nguyện thanh khiết mà thánh Mai Thiên Lộc nói tới bàng bạc trong các lá thư của ngài và đặc biệt trong Hiến Pháp và Quy Luật do ngài soạn thảo. Sự cầu nguyện này là hoa trái hoàn hảo nhất bắt nguồn từ đức tin và đức ái, đồng thời nó dẫn chúng ta tới sự kết hợp mật thiết nhất với Thiên Chúa ngay ở đời này. Nó quảng diễn hoa trái của tác động Thần khí như là khả năng “không chỉ để phục vụ Thiên Chúa mà còn kết hợp với Người”. Trong tư tưởng của thánh Mai Thiên Lộc, chúng ta tìm thấy lời ca ngợi tán dương này, đó là một vấn đề chiêm ngưỡng hòa điệu giữa đức ái bên trong và bên ngoài cộng đoàn, cũng như sự vươn lên của Hiến Sĩ hệ tại ở chỗ được nên một tinh thần với Thiên Chúa (1Cr 6, 17). Nó nói cho chúng ta biết một cái gì đó sâu thẳm về hành trình thiêng liêng: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Hiến Sĩ được đưa vào sâu trong lòng mình, nơi ấy họ ở lại một mình với Thiên Chúa để gặp gỡ Ngài. Con đường dẫn tới Thiên Chúa thông qua kinh nghiệm thâm thúy và sự biến đổi cá nhân như thánh Mai Thiên Lộc trải nghiệm. Lòng ở đây có nghĩa là trung tâm của sự hợp nhất mọi năng lực riêng của con người. Nguồn của tất cả sức sống con người tại thế cũng như con người thiêng liêng. Là nơi diễn ra cuộc chiến nội tâm. Để đi vào chiều sâu cõi lòng, nghĩa là con đường xuyên qua ý thức được giải thoát khỏi các ngẫu tượng của nó, lột bỏ các lớp vỏ tê liệt của sự vị kỷ, tính kiêu căng và hư ảo, để rồi hạ mình xuống tới chỗ cốt lõi của bản thể con người trong sự khiêm hạ, sự thật và sau cùng là tình yêu, để có thể tìm thấy nơi cư ngụ của Thiên Chúa, nơi phát sinh mạch nước thuần khiết của tình yêu sáng tạo Thiên Chúa. Tóm lại, nhờ cuộc thanh luyện trường kỳ dưới nhiều hình thức khác nhau, các Hiến Sĩ bắt gặp được Vị Thầy Thiêng Liêng như hình ảnh của cuộc huấn luyện trường kỳ bốn mươi ngày đêm đi trong sa mạc của Êlia để lên gặp Người ở núi Khôrep và cũng qua muôn vàn cách: núi lửa, bão táp, động đất...để sau cùng gặp Người trong “làn gió hiu hiu” (1V19,12). Nhờ Vị Thầy Thiêng Liêng mà các Hiến Sĩ có cái nhìn trong sáng và nhờ cái nhìn này mà các Hiến Sĩ bắt gặp được tình yêu; con mắt đó nhìn Thiên Chúa cách thanh khiết và trong sạch…Ở đây Thiên Chúa thưởng công cho những vận động viên hằng khao khát mong đợi phần thưởng: Bình an mà thế gian không hề nhận biết, cùng với niềm vui trong Chúa Thánh Thần. Niềm vui của tình yêu này “được đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5). Như thế, với sự trợ giúp của Thánh Thần, chúng ta có thể đạt tới tình yêu tuyệt đối, đó là mục đích trong lời khấn: Khiết tịnh, Khó nghèo, Vâng phục, Kiên tâm và toàn bộ đời sống Hiến Sĩ, và nhờ đó chúng ta đạt tới được hạnh phúc vĩnh cửu. |
Nhận xét
Đăng nhận xét